BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Đề cương về văn hóa Việt Nam - 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử cực kỳ căng thẳng: Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 đang đi gần tới kết thúc, và đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Sự bóc lột tàn bạo của chính quyền Pháp - Nhật và sự kiệt quệ về kinh tế dẫn đến cái chết của hai triệu người. Việt Nam lúc đó mang tính chất xã hội thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, chiến tranh thế giới thứ 2 đang làm cho đất nước kiệt quệ, tình hình chính trị, xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp nhưng cũng đặt ra những thời cơ cho cuộc cách mạng xã hội.
Năm 1943, xuất phát từ tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta nhận thấy thời cơ để đánh đổ chế độ phát xít, thực dân Pháp-Nhật và bè lũ tay sai, lập nên chế độ dân chủ, cộng hòa đang đến gần. Trong rất nhiều công việc quan trọng và cần kíp phải chuẩn bị và tiến hành, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận rõ vai trò, đóng góp to lớn và quan trọng của văn hóa. Cách mạng là văn hóa, văn hóa là cách mạng, là đổi mới tận gốc rễ chế độ thực dân-phong kiến sang chế độ dân chủ, cộng hòa, loại bỏ chính sách ngu dân và nô dịch của phát xít, thực dân, những khuynh hướng tư tưởng, văn hóa sai lầm, xây dựng một nền văn hóa mới, lớp người mới của chế độ mới.
Đề cương văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế vì trong hoàn cảnh bí mật Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu sắc các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam. Nhưng Đề cương văn hóa đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của Văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam”
Đồng chí TRƯỜNG CHINH, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước
(Diễn văn kỷ niệm kỷ niệm lần thứ 40 Đề cương về văn hóa Việt Nam)
Tháng 2/1943, tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) đã diễn ra Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo bản Đề cương về văn hóa Việt Nam và được thông qua tại Hội nghị. Bản Đề cương nhằm chống lại chính sách văn hóa phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc…
Cuối tháng 2/1943, Đảng ta ban hành nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Ðề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ðảng soạn thảo là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Ðảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Ðảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng mà chúng ta xây dựng.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, "văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa" đang thống trị, sự ra đời của Ðề cương Văn hóa Việt Nam là ngọn đuốc soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Ðảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới. Ðề cương Văn hóa năm 1943 đã cổ vũ, lôi cuốn đông đảo những người yêu nước, những người hoạt động văn hóa yêu nước vào Hội Văn hóa cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh.
Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành PHẢI do Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo.
(Đề cường về Văn hóa của Việt Nam 1943)
Ðảng ta khẳng định: "Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau", tức là chuẩn bị cho "cách mạng chính trị thành công". Ðề cương khẳng định: "cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo".
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
Đề cương về văn hóa Việt Nam nêu rõ: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả. Từ đó chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thóai bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân; Phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương.
Đề cương cũng khẳng định quan niệm của người cộng sản về vấn đề cách mạng văn hóa là phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội; Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo; Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau).
Ba nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn này là:
Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa
(Đề cương về văn hóa Việt Nam)
Đề cương cũng khẳng định: Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Đó cũng là lý do mà Cách mạng văn hóa Việt Nam gắn liền với cách mạng dân tộc giải phóng, như Đề cương chỉ ra: Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển. Cách mạng dân tộc giải phóng Việt Nam chỉ có thể trong trường hợp may mắn nhất đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập dựng nên một nền văn hóa mới. Phải tiến lên thực hiện cách mạng xã hội ở Đông Dương, gây dựng một nền văn hóa xã hội ở khắp Đông Dương.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân, là ngọn đèn soi rọi cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Từ đó đến nay, nền văn hóa Việt Nam phát triển đa dạng, phong phú, dân tộc, khoa học, đại chúng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành nguồn lực phát triển đất nước.
Văn hóa giúp góp phần nâng cao dân trí.
Nhận thức của Đảng và Nhà nước, của nhân dân về vai trò của văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng đầy đủ và nâng cao. Nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội đã được coi trọng với một số chính sách liên quan đến công nghiệp văn hóa, gắn văn hóa với phát triển. Đã bước đầu khai thác văn hóa như nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam.
Văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, dân chủ hóa đời sống xã hội, nâng cao tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người. Hoạt động thể dục, thể thao ngày càng được mở rộng, đạt nhiều thành tích cao của khu vực và thế giới.
Đảng và Nhà nước đã kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn để giải phóng sức sáng tạo của nhân dân, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc. Các hội văn học nghệ thuật phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật từng bước được củng cố. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng.
Văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số được chú trọng, đầu tư phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo tồn, khẳng định giá trị, bản sắc của văn hóa Việt Nam. Đời sống văn hóa tinh thần, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân cũng được khôi phục, tôn trọng. Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa với khu vực và quốc tế được mở rộng, từng bước phát triển theo chiều sâu, mang tính ổn định, bền vững, góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nhiều phong trào, cuộc vận động về văn hóa đạt kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… Hệ thống thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt đời sống tinh thần của người dân.