Đọc sách là phương pháp chúng ta học tập mỗi ngày, là quá trình tự học, tự đọc, tự nghiên cứu nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức, kỹ năng và năng lực cần thiết để thích nghi và phát triển trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Văn hóa đọc là nền tảng quan trọng giúp con người mở rộng tri thức, hoàn thiện nhân cách và sống một cuộc đời có ý nghĩa. Đọc sách không chỉ là cách để tiếp cận thông tin, mà còn là con đường để phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và nuôi dưỡng tâm hồn.
Hồ Chủ tịch là tấm gương sáng về tự học, tự đọc. Người luôn nhắc nhở, dù bất luận trong hoàn cảnh nào cũng đều không được quên việc đọc. Muốn đất nước cường thịnh, phải nâng cao trình độ dân trí, đề cao việc đọc, đề cao văn hóa đọc. Việc đọc không chỉ một người mà là nhiều người, phải xây dựng một văn hóa đọc rộng rãi, có tính toàn cầu, toàn quốc. Do đó, mỗi cá nhân cần học tập theo phương pháp đọc của Hồ Chí Minh, luôn nỗ lực trau dồi, tập thói quen đọc sách là góp phần xây dựng đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về không ngừng học tập, trau dồi kiến thức và tu dưỡng nhân cách thông qua đọc sách
Trong thời đại hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã làm thay đổi phương thức truyền tải, tiếp cận thông tin, vì thế mà văn hóa đọc đã phát triển ở trình độ cao hơn. Đối tượng đọc không chỉ giới hạn ở sách, các tài liệu giấy truyền thống mà còn bao gồm nhiều dạng tài liệu số, hiện đại như sách, báo điện tử. Đây là cơ hội mới để phát triển văn hóa đọc trong thời hiện đại đồng thời thuận tiện quản lý, lưu trữ, truyền tải, tìm kiếm thông tin theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Như vậy, văn hóa đọc cũng chịu tác động của khoa học công nghệ và mang dấu ấn của nền văn minh thời đại. Việc hình thành những kỹ năng mới là yêu cầu cần thiết để có thể duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại mới.
Đối với Trường Cao đẳng Kon Tum, với mục tiêu nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn thể viên chức, người lao động và HSSV nhà trường đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời - một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công đồng thời đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong toàn Trường; đa dạng hóa các hình thức học tập (học theo lớp, học trong trường chính quy, học ở ngoài nhà trường, học qua mạng, từ xa, học qua đồng nghiệp,…) nhà trường đã phát động hưởng ứng Tuần lễ: “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” từ ngày 01 đến ngày 07/10/2024 với các hoạt động cụ thể:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến hoặc lồng ghép trong sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt chuyên môn thường kỳ của các đơn vị thuộc Trường về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời cũng như vai trò của chuyển đổi số trong việc cung ứng cơ hội học tập suốt đời;
- Triển khai các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên – Hội sinh viên) tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến đoàn viên Công đoàn, ĐVTN, hội viên tại các buổi họp đoàn thể về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời cũng như vai trò của chuyển đổi số trong việc cung ứng cơ hội học tập suốt đời.
- Tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình.
- Tuyên truyền, phổ biết, quán triệt đến các nhà giáo thực hiện việc phổ biến và hướng dẫn HSSV sử dụng các hệ thống thông tin phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu: Thư viện số; Cổng thông tin sinh viên; website Trường; Hệ thống học tập Công dân số; Hệ thống E-Learning; hướng dẫn các kỹ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lý thông tin cho HSSV... trong các giờ lên lớp. Nhà giáo chủ nhiệm, tổ chức lồng ghép các hoạt động Tuần lễ học tập suốt đời trong các giờ sinh hoạt tập thể lớp.
- Việc học tập suốt đời của viên chức, nhà giáo, HSSV, học viên không chỉ được triển khai qua các bài giảng trên lớp, các chương trình tập huấn, thư viện mà còn thông qua hệ thống thư viện số, internet,....

Thư viện số của Trường phục vụ cho việc học và nghiên cứu của nhà giáo, HSSV.
- Triển khai việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa/giáo trình để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích HSSV đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.
ĐVTN, HSSV của Trường đọc sách và học tập tại Thư viện. Ảnh: Thanh Thanh
ĐVTN, HSSV của Trường đọc sách và học tập tại Thư viện. Ảnh: Thanh Thanh