TV
Eng

Đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Tư - 19/04/2023 03:01
Qua hơn 35 năm đổi mới, công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
 
  Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 12/2/1956. (Ảnh tư liệu)
Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật, khẳng định: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Tác phẩm không chỉ thể hiện xuyên suốt tư tưởng Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà còn được coi là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nước ta.
Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận", Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và Ngày "Dân vận" của cả nước để cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những chỉ dẫn của Người về công tác dân vận.
Công tác dân vận luôn được xác định là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn, công tác dân vận có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu tập hợp, vận động, phát huy cao nhất sức mạnh các tầng lớp nhân dân vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.
92 năm trước, ngay sau khi được thành lập, Đảng ta đã nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên của Đảng đã không quản gian lao, sẵn sàng hy sinh để thực hiện chủ trương "vô sản hóa", tiến hành "ba cùng" với nhân dân; tuyên truyền, giác ngộ nhân dân lao động và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo tư tưởng của Bác Hồ: "Đem sức ta mà giải phóng cho ta". Chỉ với vài ngàn đảng viên, Đảng đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định tính đúng đắn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp đông đảo nhân dân, thắng lợi của chiến lược vận động quần chúng của Đảng.
Tiếp đó, thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng của Bác: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân...". Trong những năm tháng trường kỳ, gian lao đó, các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu như: "Bám đất, giữ làng", "Một tấc không đi, một ly không dời", "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"…. nhanh chóng được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo thành sức mạnh to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến hành đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng tiếp tục đổi mới công tác dân vận. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 về "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân" với 4 quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Nghị quyết 08B là bước chuyển kịp thời nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trong tình hình mới, phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Tư tưởng này tiếp tục được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) khẳng định: "Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân".
Thực hiện đổi mới toàn diện, đồng bộ, Đảng đã ban hành một hệ thống văn bản liên quan đến công tác dân vận: về vận động các giới, các giai tầng xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; phát huy vai trò nhân dân tham gia góp ý, giám sát, phản biện góp phần xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân... Đặc biệt, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" tiếp tục khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác dân vận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nghị quyết chỉ rõ: "Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt".
Đại hội XIII của Đảng với tầm nhìn phát triển đất nước đến giữa thế kỷ 21, đã hoàn thiện, bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận. Nghị quyết Đại hội đã đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy cao độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; xác định cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt" để nhân dân làm chủ. Nghị quyết cũng xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ: Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới, ngày 30/7/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị". Quy chế quy định rõ trách nhiệm, cơ chế, phương thức công tác dân vận của tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo 5 phương thức lãnh đạo, thực hiện công tác dân vận của Đảng; bổ sung, cụ thể hóa quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đối với công tác dân vận; nêu rõ trách nhiệm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (khóa XIII) đã có chủ trương, ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công tác dân vận, như: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; về Công đoàn, công nhân; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Người Việt Nam ở nước ngoài; Công tác giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các vùng, miền... Có thể nói, đây là hệ thống những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quan trọng đối với công tác dân vận trong tiến trình cách mạng, làm giàu thêm kho tàng lý luận của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước. Đó cũng chính là nền tảng để công tác dân vận ngày càng phát huy vị trí, vai trò và tính nhân văn sâu sắc trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Với tinh thần tăng cường và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, cả hệ thống chính trị đã hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, chăm lo toàn diện đời sống nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân. Nhà nước tăng cường thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến công tác dân vận, đến phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" thành các văn bản pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, hài hòa lợi ích, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; động viên, phát huy vai trò làm chủ, chủ thể của nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, thời gian qua, công tác dân vận bằng nhiều hình thức sáng tạo, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giữ vững thành quả khi dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo an sinh xã hội; phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động từ năm 2009, là một trong những dấu ấn đổi mới công tác dân vận, trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành Dân vận, được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng. Phong trào thi đua "Dân vận khéo" với hàng vạn mô hình, điển hình được nhân rộng đã thúc đẩy nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua của các cấp, các ngành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Liên (phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) - Ảnh: Tạp chí Dân vận 
Qua hơn 35 năm đổi mới, công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của Nhà nước tiếp tục được củng cố, tăng cường. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác dân vận của Đảng được ghi nhận, khẳng định, toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đó cũng chính là những nội dung cốt lõi trong tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", phát huy truyền thống vẻ vang 92 năm công tác Dân vận của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị thường xuyên học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; thực lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của nhân dân; gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương để nhân dân tin tưởng, noi theo.
Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm, niềm tự hào và khí thế mới, công tác dân vận sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của nhân dân xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ mới./.

Tác giả: Thanh Thanh (st)

Nguồn tin: Báo Điện tử Đảng cộng sản việt Nam (https://dangcongsan.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 lượt xếp hạng

Click để xếp hạng bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây