TV
Eng

Chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp – Nơi hội tụ của cơ hội và thách thức

Thứ Tư - 04/10/2023 02:54
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Chuyển đổi số - quá trình tất yếu của mọi quốc gia
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Điều này cho thấy tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của vấn đề này trong đời sống thực tế. Thuật ngữ chuyển đổi số mới chỉ phổ biến, biết đến nhiều chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng “tốc độ” ảnh hưởng của nó thì rõ nét và hoàn toàn định lượng được.
Chuyển đổi số theo Microsoft: “là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.”
Nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình khách quan, tất yếu. Bắt buộc từng cá nhân phải chủ động thích nghi, thay đổi để phát triển nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Có thể nói chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội nhất là trong kinh tế số (ngân hàng, viễn thông, thương mại điện tử…), chính quyền số (dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu quốc gia, thuế…), công dân số (giáo dục, y tế, mua bán, giao tiếp xã hội…).
Hình minh hoạ
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy, đối với nền kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.
Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực Châu Á TBD, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.
Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.
Với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp
Có thể nói chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 đã nêu rõ:
Nâng cao năng lực số của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong GDNN nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân, tạo đột phá về chất lượng và quy mô đào tạo; hình thành, phát triển một số “cơ sở GDNN số”.
Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng về nhà giáo, cán bộ quản lý, chương trình giáo trình, cơ sở vật chất thiết bị, quản trị nhà trường và quản lý quá trình đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực và thế giới, chú trọng quản lý chất lượng đầu ra. Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng GDNN, tăng cường kiểm định, đánh giá chất lượng GDNN.

Đổi mới căn bản toàn diện nội dung chương trình, phương thức đào tạo, đánh giá và công nhận chất lượng theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng chuẩn đầu ra, gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động, phục vụ việc nâng cao kỹ năng suốt đời của người dân; phát triển chương trình đào tạo phù hợp đối với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở, đảm bảo vừa học nghề vừa học văn hóa trung học phổ thông. Đổi mới đánh giá, công nhận kỹ năng, trình độ của người học, người lao động đã tích lũy từ học tập và kinh nghiệm làm việc thực tế ở trong và ngoài nước.
Chuyển đổi số được sử dụng ngày càng nhiều hơn trong công tác đào tạo nghề (Ảnh: Cao đẳng Kon Tum)
Cơ hội Chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp
 Trong bối cảnh hiện nay Giáo dục nghề nghiệp phải tận dụng tối đa sự hội nhập, kết hợp các công nghệ mới “Công nghệ kỹ thuật số” vào giảng dạy và đánh giá năng lực, thi cử để trang bị cho người học thích ứng công việc hiện nay và tương lai. Và chuyển đổi số chính là chìa khoá trong việc tạo sự đột phá trong giáo dục nghề nghiệp.
Một là: Cơ hội đầu tiên phải kể đến là sự phát triển mang tính đột phá của công nghệ. Yếu tố này phải được nhìn nhận ở hai khía cạnh tức là nó vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức.
Là cơ hội khi chúng ta có một sự chuẩn bị kỹ về kỹ năng cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trẻ nhằm tận dụng những công nghệ mới hứa hẹn sẽ làm thay đổi một cách toàn diện các mặt đời sống xã hội trong tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, vật liệu tiên tiến và công nghệ nano, internet vạn vật, điện toán đám mây…
Hai là các mô hình quản lý giáo dục nghề nghiệp theo đó cũng được nghiên cứu phát triển để mang lại lợi ích, động lực để thay đổi về nội dung, cách thức dạy và học. Điều rõ ràng là việc chuyển đổi số sẽ làm thay đổi về cơ bản và toàn diện các phương pháp dạy và học. Đặc biệt là trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, nơi mà yếu tố học lý thuyết, kỹ năng lại gắn kết chặt chẽ với việc thực hành, làm việc. Việc rút ngắn khoảng cách nói trên đồng nghĩa với việc gia tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí cho cả bên đào tạo – lực lượng lao động và bên sử dụng lao động.
Ba là, chuyển đổi số sẽ trao thêm quyền cho con người để phát triển bền vững, cung cấp giáo dục thường xuyên và công việc suốt đời, quản lý học tập mở, linh hoạt dựa trên hiệu suất với các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng cần thiết cho người học, người lao động chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn phù hợp với những thay đổi liên tục của cuộc sống, giáo dục nghề nghiệp ngày càng được ưu tiên trong các chương trình nghị sự quốc gia của nhiều nước trên thế giới để có thể so sánh với các lĩnh vực chuyên môn khác.
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế số, phát huy mạnh mẽ giá trị con người và sức sáng tạo của mỗi cá nhân góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Như vậy trong nội hàm của chiến lược này thì giáo dục nghề nghiệp có những cơ hội để thể hiện được vai trò cũng như tham gia vào việc tạo ra các giá trị công việc và lực lượng lao động lành nghề với các kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21.
Chuyển đổi số đang từng bước được áp dụng trong giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Cao đẳng Kon Tum)
Một số thách thức chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp
Quy luật của sự phát triển là cái mới ra đời tiến bộ hơn sẽ dần thay thế cái cũ. Có thể nói quá trình chuyển đổi số không chỉ tạo ra những cơ hội mà đồng thời đặt ra những thách thức lớn đối với hầu hết các mặt trong đời sống xã hội hiện nay, trong đó có lĩnh vực GDNN.
Thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, cơ sở đào tạo. Nhận thức không thể chỉ diễn ra ở thượng tầng, tức là cá nhân, đơn vị hoạch định chính sách, kế hoạch mà cần được diễn ra ở mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, người học…Nhận thức đó phải trả lời cho những câu hỏi như chuyển đổi số là gì, vì sao phải chuyển đổi số, làm gì để chuyển đổi số, chiến lược chuyển đổi số,…
Công tác số hóa (các dữ liệu) cũng là vấn đề bởi đây chính là đầu vào, là tiền đề mang tính quyết định của công tác chuyển đổi số. Quá trình này đòi hỏi phải có thời gian, công sức bởi số hồ sơ, tài liệu, chương trình, giáo trình, giáo án…dạng giấy ở gần 2000 cơ sở GDNN là một khối lượng khổng lồ. Nếu không có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết thì rất khó để triển khai đồng bộ, hệ thống đảm bảo cho quá trình vận hành.
Nhân lực cho chuyển đổi số: Vấn đề này đề cập đến toàn bộ khách thể và chủ thể trong lĩnh vực GDNN. Nếu chỉ nhắc đến nhân lực vận hành chuyển đổi số không thôi thì chưa đủ để thúc đẩy quá trình. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng bộ phận IT đóng vai trò quan trọng trong công tác chuyển đổi số. Vì vậy, cần thiết phải có vị trí việc làm chính thức cho lực lượng này và việc nâng cao trình độ cũng như khả năng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi số – điều này chắc chắn sẽ có, cần được quan tâm đặc biệt.
Hạ tầng số: Trong điều kiện đầu tư thiếu tính đồng bộ như hiện nay tại các cơ sở GDNN thì việc có được một hạ tầng số đảm bảo cho việc chuyển đổi cũng sẽ là một thách thức không nhỏ. Bởi nếu hạ tầng không đồng bộ thì từng khâu, từng bước chuyển đổi số đều bị ảnh hưởng
Nếu khẳng định chuyển đổi số là một quá trình tất yếu thì trong lĩnh vực GDNN sự hội tụ của những cơ hội và thách thức là hữu hình và cụ thể. Để tận dụng nguồn lực để tạo ra động lực cho phát triển và nếu không muốn bị bỏ lại phía sau thì chỉ có một hướng đi duy nhất đó là thay đổi, thích nghi và hoà nhập nhanh. Chuyển đổi số chính là chìa khoá đó để thực hiện điều đó.

Tác giả: Võ Mạnh Tuấn (St)

Nguồn tin: Ban Truyền thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 lượt xếp hạng

Click để xếp hạng bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây